Sau nhiều lần “lỡ hẹn” vì bận rộn với công việc ca hát của mình ở ngoài Bắc, cuối cùng Hoàng Dũng cũng có một buổi chiều thảnh thơi dành riêng cho cuộc trò chuyện cùng tôi tại Sài Gòn. Hỏi Dũng, có ý định vào Nam lập nghiệp hẳn chưa? Cậu cười gãy gọn: “Mình vẫn còn nhiều duyên nợ với Hà Nội nên chưa muốn rời đi vào lúc này”.
Hoàng Dũng có tính cách của một cậu trai miền Bắc chính gốc: trầm tĩnh, ôn tồn, không vồn vã chia sẻ bất cứ điều gì và thật nhẹ nhàng trong từng lời kể. Dũng năm nay 24 tuổi và vẫn đang sống những tháng ngày tuổi trẻ thật chậm trong khung trời nghệ thuật bình yên của riêng mình. Ai sống nhanh, ai sống vội thì đó là việc của họ còn với Hoàng Dũng thì không. Cuộc sống là phải được tận hưởng, được “nhấm nháp” chút dư vị dù là ngọt bùi hay đắng cay, Dũng nghĩ vậy. Cậu nói, sau khi tham gia chương trình “Giọng Hát Việt” năm 2015 thì cũng đã từng có một năm sống ở Sài Gòn, đến năm 2016 thì mới quay trở lại Hà Nội. Hà Nội cho Dũng cơ sở vật chất, các mối quan hệ và có thời gian tĩnh lặng đủ nhiều để cậu có thể vừa làm vừa suy xét lại những gì đã qua. Hơn nữa, một người sống chậm và đầy nội tâm như Dũng vốn đã quen với nhịp sống ở đây và dành một tình cảm nhất định cho nơi này nên suy đi tính lại, Dũng vẫn chẳng thể xa Hà Nội được.
“Ở có một năm thôi mà Dũng thấy môi trường Sài Gòn năng động thật! Gần như là mình có một cộng đồng lớn các nghệ sĩ để chia sẻ và hỗ trợ nhau nhiều thứ. Còn ở Hà Nội thì ít hơn, hầu hết bạn bè của Dũng đã “Nam tiến” cả rồi. Những anh chị vững nghề hơn thì đã có chỗ đứng riêng trong công việc nên thường sẽ di chuyển liên tục giữa Sài Gòn và Hà Nội. Ở ngoài này, Dũng cũng chỉ chơi cùng một số người bạn thuộc giới nghệ sĩ, không nhiều lắm. Công việc thì gần như chỉ có team của mình làm việc với nhau”, Hoàng Dũng bộc bạch.
Đó là một trong những cái lạ nhất ở Dũng mà tôi ấn tượng, bởi đa số các nghệ sĩ trẻ bây giờ đều có chung một suy nghĩ sẽ vào Nam lập nghiệp để con đường âm nhạc của mình có cơ hội phát triển hơn, thì Dũng chọn ở lại. Chọn chấp nhận đi chậm, nhưng chắc chắn. Tôi nhớ, có người từng phân tích vui về cái tên Hoàng Dũng rằng Hoàng nghĩa là “Hoàng tử hát tình ca” và Dũng là “dũng cảm đi một mình, dũng cảm làm điều mình muốn”. Xâu chuỗi với những gì Dũng chia sẻ, ngẫm lại thấy đúng. Hoàng Dũng là kiểu người không cần chạy theo số đông, không quan trọng được – mất, hơn – thua, cũng không sống để làm hài lòng bất cứ ai. Dũng là Dũng, khó tính trong âm nhạc, đôi khi bướng bỉnh, lắm lúc để cái tôi lấn át nhưng cũng đầy nỗi niềm tâm tư.
Khó tính với âm nhạc, nghiêm khắc với bản thân và độc lập với tất cả
Được sinh ra trong một gia đình gia giáo, cộng với tuổi thơ quen tự lập đã phần nào hình thành nên một Hoàng Dũng không thích dựa dẫm, mạnh mẽ và quyết liệt. Bố mất sớm, mẹ thường xuyên đi công tác xa, tuổi thơ của Dũng là những chuỗi ngày đi học, canh nhà và tự mình làm tất cả mọi thứ. Chẳng biết từ bao giờ, Dũng xem việc “tự mình làm tất cả mọi thứ” như là điều hiển nhiên vốn dĩ. Dũng mê nhạc, mê vẽ, mê làm đồ chơi mô hình, ảo thuật đường phố… và tất cả những việc đó cậu đều tự mày mò làm cho bằng được mà chẳng cần ai chỉ dẫn. Kể cả việc sáng tác nhạc cũng thế, ban đầu là tò mò, rồi thích, rồi tự học, tự đàn, tự sáng tác.
“Mình có được cây đàn guitar đầu tiên vào năm học lớp 9. Ban đầu mua về là để bản thân tập cover những bài của các ca sĩ khác nhưng sau đấy mình chợt nhận ra là những bài hát ấy vô hình nó có một điểm chung nào đấy. Từ giai điệu, hòa thanh cho tới một số những yếu tố khác. Lúc đó, mình mới nghĩ một điều là nếu như bài hát nào cũng giống như thế này thì mình cũng có thể viết ra được một bài hát cho riêng mình không? Thế là đặt bút viết thử. Thử xong thì lại thấy “Ơ, cũng hợp lý!”. Từ đấy mới nhen nhóm trong tâm trí của mình một suy nghĩ là có thể hát được bài của người khác rồi thì mình hoàn toàn có thể hát một bài của riêng mình”, Dũng kể lại.
Chính suy nghĩ đó đã dẫn lối cho Dũng đến với công việc sáng tác và sở hữu một gia tài bài hát đồ sộ như bây giờ. Có điều, Dũng bảo, cậu không bao giờ hài lòng với các sản phẩm của mình. Hiện tại cũng thế, kể cả những sản phẩm mới nhất cũng vậy, chưa có một sản phẩm nào mà cậu thấy ưng ý hoàn toàn cả. Lý giải cho việc này, cậu cho rằng: “Mình bị cái tính, lúc viết nhạc thì thích nó lắm, nhưng viết xong rồi là thôi, hết thích luôn”. Nhớ lại Hoàng Dũng của những ngày chập chững bước ra đời cũng không biết mình thật sự thích điều gì, bởi cái gì cũng chỉ là sở thích của một thời gian nào đấy. Đến thời điểm chọn trường Đại học, Dũng chọn Ngoại Thương cũng chỉ với suy nghĩ đơn thuần là sau này có một công việc hàng tháng có lương đều đặn không phải lo nghĩ xa xôi. Nhưng ông trời khéo trêu lòng người, Dũng muốn ổn định nhưng thật ra cuộc sống sau này lại khiến cậu phải đối mặt với sự chông chênh.
Hỏi Dũng, nhìn lại mình của những ngày đầu bước chân trên con đường âm nhạc so với bây giờ, có thấy bản thân thay đổi nhiều không? Dũng trả lời ngay như chẳng cần phải suy nghĩ gì: “Thay đổi rất nhiều là đằng khác. Từ cách đối diện với tất cả, cách xử lý công việc, kể cả là cách mình cư xử, giao tiếp với mọi người”. Dũng bảo, có được sự thay đổi ấy là do tính chất công việc, nhưng một phần cũng là do Dũng chọn đi con đường độc lập. Từ sau các cuộc thi âm nhạc, Dũng hoạt động hoàn toàn một mình. Người ta, thay vì tận dụng hiệu ứng từ sau các cuộc thi để tiến nhanh hơn thì Dũng lại không làm thế. Cậu quay về, bắt đầu từ con số 0. Tự định hướng cho mình, tự làm nhạc, tự sáng tác, tự sản xuất, quảng bá sản phẩm… Tự mình làm tất cả như kiểu mà cậu hay nói vui là “công ty một thành viên”.
“Vì sao lại chọn con đường tự một mình làm mọi thứ như thế trong khi mình hoàn toàn có thể tìm một ekip để hỗ trợ?”, tôi hỏi.
Dũng nheo mắt, cười: “Có lẽ, mình là người khá cố chấp và hơi khó tính trong âm nhạc. Thực ra không phải là không tìm, mà là đã tìm rồi. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác với mọi người mình lại nhận thấy có những điều chưa phù hợp trong định hướng phát triển. Mà tính của mình thì khi mình thấy những gì không đúng với bản thân hoặc không đúng với mong muốn mà mình muốn gửi tới khán giả thì chia tay là chuyện tốt nhất. Sau gần 2 năm lận đận như thế, mình rút ra một điều là cứ đi tìm người này người kia chưa chắc đã hiệu quả, nhiều khi cố tìm lại không bằng mình tự làm. Sau đó là “độc bước”, từ lúc đấy đến tận bây giờ. May mắn là mình cũng đã gặp được một số người bạn phù hợp để tạo thành ekip cho riêng mình, nhỏ thôi, khoảng 5 người”. Vậy mới thấy, một chàng trai ở tuổi 21 khi ấy, thật liều lĩnh.
Thế nhưng làm gì cũng vậy, đánh đổi và lựa chọn nào cũng chứa đựng những rủi ro và mất mát. Trả giá cho sự liều lĩnh ấy của Dũng là một khoản nợ lên đến con số 150 triệu vào những tháng ngày chới với trong bế tắc, đến mức muốn bỏ cuộc luôn cho xong. Dũng nhớ lại: “Giữa năm 2016, mình nhận được lời mời tham gia vào một dự án làm chung bài “Chờ Anh Nhé”. Cứ nghĩ là làm thôi, vì chẳng biết nên suy tính thế nào cho phải. Nhưng khi MV thực hiện xong thì gặp trục trặc liên quan đến nhà tài trợ. Họ hủy bỏ hợp đồng vì nhiều lý do. Lúc đó MV đã làm xong rồi, lịch phát hành cũng đã lên, tiền cũng cần phải có để trả cho các thành viên trong ekip quay hình. Thời ấy mới thi chương trình “Giọng Hát Việt” xong, Dũng cũng không được mời hát nhiều, mỗi tháng giỏi lắm kiếm đâu được cỡ mười mấy triệu. Nghĩ tới con số tiền nợ lên tới 150 triệu, mình bị sốc và quay cuồng chẳng biết làm gì tiếp theo. Cũng không dám nói với gia đình, với mẹ là “mẹ ơi con đang nợ tiền”. Nhà mình không phải là quá có điều kiện, chỉ có mỗi mẹ là kiếm ra tiền nuôi cả nhà thôi. Xong rồi nghĩ mãi thì quyết định chia sẻ câu chuyện với một số anh bạn bè làm cùng trong dự án, nói là đang gặp một cái trường hợp như thế thì kêu gọi mọi người cho mượn tiền để mà xoay chỗ này đập chỗ kia”.
Khó khăn đấy nhưng chẳng một lần dám rên than hay chia sẻ với ai khác, bởi đó là con đường do mình lựa chọn. Trong tâm thế không thể “cầu cứu” ai, kể cả gia đình, Dũng cho rằng mình có một cái tôi cao ngất trời và một nội tâm sâu thăm thẳm mà khó có ai sẽ hiểu được. Cứ thế, cậu gói ghém hết những tâm sự chất chứa trong lòng cùng sự chán nản đến cùng cực. “Nhiều khi nghĩ quẩn, mình lại muốn bỏ hết tất cả mọi thứ vì nghĩ sao mà nó khó thế. Thật sự do mình không biết cách làm, không có duyên với công việc này hay sao đó nên cứ mỗi lần làm là hỏng rồi gặp bao nhiêu chuyện khó khăn. Lúc đấy tâm lý đã chán, lại còn ở trong cái nhà thuê đâu chưa được 20 mét vuông. Xong rồi tháng nào cũng ăn mì tôm. Hồi đấy còn tự nhủ lòng là chắc nghỉ hát cho rồi bởi nghĩ thì tủi, bạn bè nhiều người đã thành công rồi được đón nhận còn mình thì thành ra như vậy. Nghe người ta bảo “tại sao không thấy Hoàng Dũng làm gì hết, không thấy Hoàng Dũng ra mắt cái này cái kia, Hoàng Dũng kiểu cũng có khả năng như thế mà sao không làm gì…” thì cũng buồn đấy nhưng chẳng trách được vì mọi người có biết thật sự mình đang phải trải qua những gì đâu. Cuối cùng, chẳng hiểu sao cái duyên với âm nhạc chưa cạn nên lại cố”, Dũng trầm ngâm cho biết.
– Khi gặp khó khăn, ai cũng có xu hướng trở về với gia đình. Dũng là một ngoại lệ sao?
– Mình vẫn luôn nhớ những lời mẹ dặn: “Nếu như con có một hướng đi nào đó ổn định và an toàn thì mẹ yên tâm. Còn nếu như con muốn liều lĩnh, thử thách bản thân thì con phải tự lực. Bởi vì gia đình không bất cứ một cái gì và cũng không ai có hiểu biết về những vấn đề liên quan đến nhạc họa để giúp con được”. Thế nên, khi gặp chuyện, Dũng lại tự nhủ: “Đã quyết định theo rồi thì không bao giờ bỏ cuộc. Lỡ mà có thất bại hay như thế nào thì cũng không bao giờ quay lại trách gia đình đã không can ngăn, vì đó là lựa chọn của mình. Mình phải tự nỗ lực, phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình chứ không ỷ lại, nhờ cậy hay bắt ai đó phải có trách nhiệm với mình”.
Tuổi trẻ của Hoàng Dũng coi như là đã dốc hết lòng cho âm nhạc, dù những ngày tháng đó chẳng hề thơ mộng và đẹp đẽ như những giấc mơ ngày bé cậu đã từng có. Chật vật với đời sống cơm – áo – gạo – tiền để nuôi lớn ước mộng nghệ thuật cũng giúp Dũng hiểu nhiều hơn về con đường mình quyết tâm lựa chọn theo đuổi. Sau khoảng một năm, đến tháng 3 năm 2017, lúc kết thúc hành trình tham gia chương trình “Sing My Song” cũng là lúc Dũng trả xong toàn bộ số nợ. Mọi áp lực về tiền bạc được tháo gỡ, Dũng lại bình tâm, bước tiếp.
Nỗi trăn trở mình sẽ là ai trong rất nhiều năm sau này?
Nói Hoàng Dũng làm nhạc theo cảm hứng của mình hơn là làm vì được yêu thích thì cũng đúng. Kiểu như, cuộc đời thì chỉ có một và tuổi trẻ không có lần thứ hai, nên cậu không muốn sống để làm hài lòng ai. Ở Dũng có một nét tính cách khẳng khái, đôi khi là “sòng phẳng” với tất cả những gì cậu muốn làm. Nếu người khác luôn phải đắn đo suy tính để có thể làm được những gì mình thích nhưng mặt khác vẫn có thể chiều chuộng tai nghe của khán giả thì Dũng lại hoàn toàn trái ngược. Cậu lúc nào cũng trăn trở với suy nghĩ rằng hát những gì khán giả thích cũng hoàn toàn không phải là xấu nhưng điều quan trọng nhất là khi tất cả những thứ người ta coi là hot trend, là bùng nổ nhất không còn rồi 10 hay 15 năm nữa qua đi thì Hoàng Dũng sẽ là ai? Dũng biết, không ai có thể trả lời cho mình câu hỏi đó trừ chính mình. “Vậy nên, em muốn mình đi từ từ, dù có thể phải trải qua rất nhiều thăng trầm. Nhưng khi mình đã thành một ông già rồi, không còn làm nhạc nữa thì người ta vẫn nhớ, vẫn nhắc “À, ông Hoàng Dũng! Ông Hoàng Dũng là người như nào, hát những bài gì, ông ấy đứng trên sân khấu thì ông ấy làm những gì, hoặc là những cái đơn giản kiểu hồi còn đi hát ông ấy có đeo kính không, để tóc như thế nào…”. Đấy, sống thế mới ý nghĩa chứ”, Dũng bộc bạch.
Giờ đây Dũng đã có một lượng khán giả cho riêng mình. Điều cậu ấp ủ cũng gần đến đích bởi màu sắc và cá tính trong âm nhạc của Hoàng Dũng đang ngày một rõ nét. Nếu như ngày trước, Hoàng Dũng thường đặt câu hỏi cho bản thân mình về việc sản phẩm cậu làm ra sẽ hiện hữu trong đời sống của khán giả như thế nào thì về sau, cậu nhận thấy điều đó không còn quan trọng nữa. Bởi nhạc của Hoàng Dũng là dành cho những người cần thì tìm đến, sau đó sẽ thành thói quen mà gắn bó.
Nói vậy không có nghĩa là Dũng không cần khán giả. Mà ngược lại, khán giả chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho cậu trên con đường ca hát này. Với Hoàng Dũng: “Khán giả có thể lựa chọn việc tiếp tục tin vào một người nghệ sĩ hay không, nhưng người nghệ sĩ thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc là tin vào khán giả của mình”. Bởi, khán giả là người công tâm và khách quan nhất, họ sẽ nói cho mình biết mình làm đúng đến mức nào và sai ra sao. Chỉ có điều, Dũng tin khán giả sẽ ủng hộ quyết định của mình. Dù đúng dù sai, cậu ấy vẫn không muốn nhận về dù là một cái quay lưng.
Hoàng Dũng tự nhận mình là một người phức tạp, nhạy cảm và suy nghĩ nhiều. Điều đó thể hiện rõ nhất trong từng bài hát của cậu. Nếu thời còn đi học, cậu sáng tác bằng sự ngô nghê của một chàng trai tuổi mới lớn thì giờ đây, Hoàng Dũng đã chịu viết về bản thân mình nhiều hơn. Nhưng những sáng tác lại không có cho riêng mình một chủ đề nào cả. Đôi lúc cậu mượn tình yêu để nói về cuộc sống, đôi khi lấy cuộc sống để nói chính mình. “Nép Vào Anh Và Nghe Anh Hát”, “Chẳng Nói Nên Lời” hay “Đôi Lời” đều được Dũng “lãng mạn hóa” trong âm nhạc như thế bởi những câu chuyện trong đời thực chưa chắc đã ảo mộng, thậm chí là khô khan nhưng qua nét nhạc mà Dũng tạo ra thì đột nhiên lại đầy chất thơ.
“Nhiều khi ngẫm nghĩ, Dũng thấy một phần các bài hát của mình cũng là cách để tự mình giải tỏa tâm lý đấy. Có nhiều chuyện mình không biết nói với ai cộng thêm cái tính rất ngại việc nói gì đó mà không ai hiểu. Từ hồi cấp 3 mình đã sống khép kín như thế rồi, kiểu hơi tự kỉ. Kể cả với gia đình cũng nói rất ít, mạng xã hội thì không có nhu cầu chia sẻ, ai hỏi gì cũng trả lời qua qua thôi. Lúc nào cũng mặc định trong đầu là không ai hiểu mình cả nên tốt nhất không nói. Dần dần nó thành thói quen và chỉ biết thổ lộ tâm sự bằng cách viết nhạc. Mà Dũng thấy, viết bài hát thì người ta hiểu và mở lòng với mình hơn nên mình lại càng gắn bó với âm nhạc”, Dũng chia sẻ.
Trong suốt cuộc nói chuyện về hành trình âm nhạc đã đi qua, tôi thấy khá nhiều lần Dũng nhắc tới một người bạn, người chị thân thiết trong nghề của mình, đó là nữ ca sĩ Thu Phương. Mỗi lần nhắc tới người thầy trong âm nhạc của mình, ánh mắt của Dũng lại sáng lên với sự biết ơn và trân trọng. Dũng từng nghĩ với những chương trình truyền hình như “Giọng Hát Việt” thì những mối quan hệ thầy trò chỉ tồn tại trong khuôn khổ thời gian chương trình diễn ra còn khi kết thúc rồi, mọi người khó có thể quan tâm tới nhau nhiều nữa. Thế mà duyên cớ làm sao, tình thầy trò của Hoàng Dũng và Thu Phương vẫn mỗi ngày mỗi khắng khít. Dũng kể, “Nép Vào Anh Và Nghe Anh Hát” và “Vì Anh Vẫn” là hai bài hát nằm trong một dự án nhỏ do mình thực hiện và đáng lẽ nó đã kết thúc rồi nếu như nữ ca sĩ Thu Phương không gợi ý về một bài hát thứ ba. “Và Mùa Đông Sang” đã ra đời như thế và quả thật, đó vẫn là một sự kết hợp tuyệt vời của Hoàng Dũng cùng với Thu Phương.
“Chị Phương là một người đúng như kiểu người ta hay nói “Hải Phòng không lòng vòng”. Tức là một người rất tình cảm nhưng cũng rất thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng. Đồng hành với chị Phương lâu rồi, mình cũng bị ảnh hưởng bởi chị nhiều. Bài học mà mình thấy quý nhất ở chị Phương là cách truyền tải giá trị qua từng bài hát. Mỗi lần mà chị Phương muốn hát một bài gì đấy thì chị có thói quen sẽ chia sẻ vì sao tôi lại hát bài này, khi mà tôi hát bài này thì tôi muốn đem lại giá trị gì… Điều đó giúp khán giả hiểu bài hát mình đem tới cho họ có thông điệp gì, từ đó hình ảnh người nghệ sĩ cũng được nâng cao hơn. Rõ ràng, lúc đấy người nghệ sĩ là người đi truyền cảm hứng chứ không đơn giản là người chỉ đứng trên sân khấu và hát phục vụ cho người hâm mộ. Đây là điều mà Dũng nhớ rõ tới tận bây giờ và gần như đã trở thành tôn chỉ để mình làm việc. Đó chính là hãy luôn luôn là một người truyền cảm hứng”, Dũng khẳng định.
Chẳng có gì, chỉ có niềm tin làm vốn lận lưng!
Nếu trước đây hỏi Dũng sợ gì nhất cậu sẽ trả lời rằng “sợ cô đơn”, thì bây giờ, cái nỗi sợ ấy không còn nữa, nhưng thay vào đó là “nỗi sợ đánh mất bản thân mình”. Bước chân vào showbiz – một thế giới đầy cám dỗ, hành trang không thể thiếu đó chính là sự tỉnh táo và tử tế. Nói về sự “đánh đổi”, Dũng trầm ngâm suy nghĩ rồi bảo bản thân hiện nay cũng rất muốn đi một con đường riêng, văn minh và độc lập. Cậu cũng muốn tìm thêm những người đồng đội kề vai sát cánh mà tìm mãi vẫn chẳng thấy đâu. Nhiều người hay nói nếu Hoàng Dũng vào Sài Gòn thì bây giờ đã khá hơn nhiều rồi nhưng chính Dũng cũng thừa nhận rằng nếu Hoàng Dũng mà cũng làm cái này, làm cái kia giống với bao người thì chẳng còn là Hoàng Dũng của bây giờ nữa. Muốn có được thứ mình mong mỏi, mình khao khát mà không sẵn sàng đánh đổi hi sinh thì hẳn cuộc đời ai cũng đẹp đẽ bằng phẳng như nhau.
Nhiều người ở lứa tuổi trẻ như Dũng, có đôi khi còn hoài mộng và luôn hồ nghi trước những gì cuộc sống đem lại. Với bản thân mình, Dũng có lẽ đã “dạn dày” trải nghiệm hơn một chút để không phải dành thời gian nuối tiếc bất cứ điều gì. Dũng nói vui với tôi là cậu ấy đang đi một con đường mà mọi người hay nói là “vừa đi vừa dò” bởi nó không có lộ trình được định sẵn. Muốn biết đích đến có được điều gì, đến đó bằng cách nào và con đường dài bao lâu thì Dũng chỉ có một câu trả lời duy nhất là “phải đi mới biết được”. “Ai cũng bảo con trai 24, 25 tuổi như mình mà vẫn còn chưa ổn định thì là lông bông đấy, nhưng mình thì thích dùng từ phiêu lưu hơn. Cuộc phiêu lưu của Hoàng Dũng chẳng hạn. Đời mình phải có lúc lên lúc xuống, lúc thì rất thích công việc đang làm, lúc thì chán tới mức muốn bỏ hết mà đi nhưng sau cùng vẫn thấy đấy lại là điều hay ho trong cuộc sống của mình so với những người khác”, Dũng cười xòa và nói.
– Còn trong tình yêu thì sao, Hoàng Dũng cũng phiêu lưu như thế à?
– Hoàn toàn không. Trong tình yêu, Hoàng Dũng là một người cuồng nhiệt. Khi yêu thì đúng kiểu “cháy”.
– Nhưng mà từ đó đến giờ đã “cháy” được bao nhiêu mối tình rồi?
– Tính từ trước đến bây giờ thì mình cũng có nhiều mối quan hệ tình cảm với các bạn nữ rồi nhưng mà nếu nói yêu sâu đậm thì có 4 người. Đó đều là những mối quan hệ nghiêm túc. Thú vị là kể cả trong tình yêu hay trong cuộc sống, Dũng có một tính cách mà mọi người rất thích, đó là chân thành. Dù bản thân mình thấy mình thuộc tuýp ngây ngô thì đúng hơn (cười).
Người ta bảo, “Tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi, như cuốn sách không nội dung, bài hát không giai điệu, khu rừng không có cỏ cây”. Thế nên, trải nghiệm của Dũng ở những năm tháng của tuổi 20, dù có ra sao thì nó cũng đã trở nên thật đẹp. Bởi cậu cho rằng, nếu không phải cái thời điểm bây giờ thì đến khi 34 hay 35 tuổi sẽ không cho phép bản thân làm những điều đó, hoặc cũng có thể là không còn đủ sức để làm nữa… Cậu đơn thuần chỉ là không muốn mình của sau này phải ngồi một chỗ và tiếc nuối những điều đã qua.
Dũng bảo, nếu đến một lúc nào đó hết duyên với âm nhạc thì sẽ chấp nhận buông bỏ tất cả nhưng không được làm nhạc nữa thì cậu cũng chẳng biết phải làm gì. Mọi người hay nói với Dũng là “có chắc một ngày đó sẽ thành công không?” thì Dũng trả lời là có. Nhưng hỏi tại sao lại quả quyết chắc chắn như vậy thì Dũng… chịu. Bởi tất cả đam mê và ước mơ mà chàng trai trẻ này đang nắm giữ trong tay đều xuất phát từ niềm tin. Thứ niềm tin vô hình nhưng lại như đốm lửa lập lòe, cứ mãi soi rọi từng bước đi của cậu trên con đường nhiều ngã rẽ. Nhưng chẳng phải cứ có niềm tin thì giấc mơ dù mơ hồ tới đâu cũng sẽ dần hiện lên thật chân thực hay sao? Vậy nên, cứ phải tin và phải đi thôi.
Design| Gao