“Mỹ tiến” – chỉ hai từ nhưng chứa đựng rất nhiều ước mơ và tham vọng của biết bao công ty giải trí lớn tại Hàn Quốc. Dưới sự ảnh hưởng của làn sóng Hallyu, câu chuyện đưa “gà nhà” của mình làm nên sự nghiệp tại xứ sở cờ hoa có lẽ đã khác nhiều so với với 5, 10 năm trước. Thời điểm mà các tiền bối thế hệ đầu hay thế hệ thứ 2 đều phải vô cùng chật vật vì một chút tiếng tăm nhỏ nhoi ở thị trường khó tính này.
Trước đây, Kpop cũng đã từng thử đem âm nhạc của mình ra thế giới, tiêu biểu như BoA và Se7en. Sau khi đánh tiếng trên đất Mỹ không thành, họ đành quay trở về nước vì không đủ sức lan tỏa mặc dù cả hai vốn đã tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường Châu Á. Hay như trường hợp của CL và PSY, họ có sự hỗ trợ lớn hơn đến từ các nghệ sĩ quốc tế để từ đó xuất hiện những màn hợp tác. Nhưng sau tất cả, nghệ sĩ Hàn Quốc vẫn không thoát khỏi chiếc lưới “flop” hay thậm chí tệ hơn, họ còn giảm đi một phần nào đó danh tiếng đã vốn có.
Nhưng với thế hệ idol trẻ, câu chuyện thành tích và danh tiếng cũng trở nên dễ dàng hơn. Các công ty đua nhau cho idol tấn công vào mảnh đất màu mỡ qua các tour diễn concert hoành tráng. Đó là các đại diện từ Big 3 như Black Pink, NCT, ITZY, cho đến hiện tượng bùng nổ BTS gây sốt nước Mỹ. Có lẽ theo sự thay đổi của thời gian, sẽ có những nguyên do đặc biệt làm cho cái kết của câu chuyện Mỹ tiến được lái theo một hướng khác có hậu hơn.
Hát nhạc Hàn trên đất Mỹ – Có hẳn một thể loại nhạc mang tên là “Kpop”
Khoảng 10 năm trước là thời điểm mà các idol đời đầu tiên phải chật vật với việc tìm kiếm sự nổi tiếng trong ngành giải trí lớn như biển rộng ở trời Tây, lúc đó hẳn nhiên “Kpop” là một điều gì đó vô cùng xa vời đối công chúng Mỹ. Người ta có thể biết BoA là ai, nổi tiếng như thế nào ở Châu Á, nhưng không phải ai cũng biết đến Kpop là gì. Trước khi PSY thực hiện được cú nổ lớn với “Gangnam Style”, các nghệ sĩ Hàn muốn Mỹ tiến đều thực hiên theo một công thức vô cùng nhàm chán đó chính là “hát nhạc Mỹ trên đất Mỹ”. Thậm chí hi sinh sự nổi tiếng của bản thân ở nước nhà, chấp nhận quay trở lại làm những “tân binh” như Wonder Girls để đổi lại sự chú ý của khán giả quốc tế trên thị trường âm nhạc Mỹ.

Không thể phủ nhận rằng từ sau “Gangnam Style”, các công ty giải trí Hàn Quốc đã có tầm nhìn chiến lược tốt hơn về cách thức quảng bá ở quốc tế. Thay vì chạy theo âm nhạc “giả vờ” để làm người Mỹ, họ đã tạo dựng thương hiệu riêng cho thể loại nhạc mang tên Kpop và khiến công chúng phương Tây phải “like ooh- ahh” với sự độc đáo mới lạ của nó. Và đúng như dự đoán, làn sóng Hallyu không chỉ dừng chân ở lãnh thổ Châu Á, mà còn dần tạo dựng được sức ảnh hưởng trên toàn cầu.
Thứ công chúng Mỹ cần không phải là nhạc Mỹ, thứ âm nhạc của nghệ sĩ bản xứ và dĩ nhiên được hát bằng tiếng Anh. Họ cần những thứ mói mẻ hơn, những làn gió mới hơn và Kpop chính là thứ đáp ứng được nhu cầu của họ.

Việc theo đuổi được đa dạng nhiều hình tượng trong âm nhạc của Kpop khiến dòng nhạc này sở hữu sức hút rất riêng. Bằng sự giao thoa công nghệ và sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông trực tuyến, không khó để người ta có thể tiếp cận được với một nền văn hóa khác hoàn toàn ở nửa kia trái đất. Ở đó là thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới, họ nghe và hiểu được đó chính là âm nhạc. Visual bắt mắt, concept đỉnh cao cùng với những nghệ sĩ tài năng không thua kém gì ai, Kpop đã có thể dần dần chinh phục được thế giới. Với sức ảnh hưởng đó, Kpop đã và đang trở thành một thể loại âm nhạc hoàn toàn riêng biệt, không còn là những bài hát được trình bày bằng tiếng Hàn đến từ những nghệ sĩ Hàn Quốc như định nghĩa đơn thuần nữa.
Sự ưu ái của truyền thông dành cho Kpop cũng tăng lên, đơn cử như Billboard New York có hẳn một chuyên mục mang tên K-Town dành riêng cho những sản phẩm Kpop. Hay vừa mới đây các giải thưởng lớn như MTV VMAs cũng mở ra một hạng mục mới trao giải cho các ca khúc Kpop được yêu thích nhất với những đề cử đến từ các “gương mặt thân quen” như BTS, EXO, NCT127, Black Pink hay thậm chí tân binh TXT cũng góp mặt. BTS đã được đề cử tại 5 hạng mục của MTV VMAs và còn nhận được 2 giải thưởng từ lễ trao giải này. Một trong số đó là “Best Group” – hạng mục chính của lễ trao giải mà khi nhắc tới các đối thủ của nhóm đều là những tên tuổi lớn không ai có thể ngờ tới như Backstreet Boys hay Jonas Brothers.

Ngoài ra trong năm nay, BTS và Black Pink cũng nhận được đề cử của lễ trao giải “E! People’s Choice Awards 2019” với hai hạng mục đối chọi với các “cây đa cây đề” như Imagine Dragons, Panic! At The Disco, The Chainsmokers hay những nghệ sĩ solo điển hình là Ariana Grande, Lady Gaga, Justin Timberlake,… Không chỉ dừng lai ở đó, lễ trao giải “Teen Choice Award 2019” vừa qua cũng vinh danh 3 cái tên BTS, Black Pink và Red Velvet như những thần tượng có sức ảnh hưởng đến giới trẻ. Điều đó cho thấy các lễ trao giải quốc tế đều đã công nhận sức thành công của Kpop và sự góp mặt của các nghệ sĩ Hàn trên “bảng vàng” âm nhạc phương Tây không còn là một câu chuyện quá mới mẻ.

Đã xa rồi thời điểm ca khúc “Nobody” lần đầu bước chân vào Billboard Hot 100 khiến cho cả Hàn Quốc bàng hoàng kinh ngạc. Giờ đây, các idol Kpop xuất hiện trên các BXH Billboard có lẽ không còn là chuyện hiếm hoi. Không chỉ những nhóm nhạc dẫn đầu như EXO, BTS làm nên thành tích cao, các nghệ sĩ solo hay tân binh mới ra mắt cũng xuất hiện thường xuyên trên các BXH chính lẫn phụ của Billboard.
Có thể thấy, sự nhận diện của Kpop trên bản đồ thế giới đã giúp cho các idol hậu bối sau này không phải gặp những khó khăn như những bậc tiền bối đã từng. Cũng vì thế, họ có thể dễ dàng tiếp cận khán giả Mỹ hơn lúc trước rất nhiều lần.
Hiện tượng toàn cầu BTS và một góc nhìn mới dành cho idol Hàn Quốc
Không thể phủ nhận sự nổi tiếng của BTS cũng chính là một trong những nguyên nhân trợ giúp mở đường cho các idol có ý định mở rộng hoạt động sang đất Mỹ. Năm 2016, khi sự nổi tiếng của 7 chàng trai tăng vọt tại quê nhà thì cũng là lúc tên tuổi của BTS được công chúng thế giới biết đến nhiều hơn. Từ “DNA”, “Fake Love”, “Idol” cho đến “Boy With Luv” đều là những bước đi khôn ngoan của BTS. Họ đã thực sự bước chân vào thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới bằng tài năng thực sự và dung hòa những yếu tố cần có để thu hút cả hai đối tượng khán giả tại Hàn và Mỹ.

Nói Mỹ tiến, thật sự BTS chưa bao giờ chính thức Mỹ tiến. Tất cả các sản phẩm âm nhạc của nhóm toàn bộ đều bằng ngôn ngữ Hàn, không có bất kì một ca khúc tiếng Anh nào để cố tình chiều lòng người hâm mộ Mỹ. BTS thỏa sức hát thứ âm nhạc mà nhóm mong muốn và yêu thích chứ không hề ép mình theo bất cứ thị trường nào và có lẽ nhờ vào những điều đó, nhóm trở nên đặc biệt hơn. Với BTS, sự chú ý của công chúng Mỹ đến với Kpop dần nhiều hơn. Họ biết đến BTS chính là một phần của Kpop.
Các idol Kpop khác nhìn thấy sự thành công của BTS như là một tượng đài và tất cả đều xem những thành quả mà nhóm đạt được như là cuốn “cẩm nang dẫn đường” cho những hoạt động quốc tế. Họ dần biết được người hâm mộ phương Tây cần những gì, họ cần đi theo điều gì và tìm được hướng đi cho phù hợp. Không chỉ thế, BTS còn giúp nước Mỹ khám phá được nhiều hơn ở Kpop, về một nền văn hóa âm nhạc mới lạ nhưng không kém phần hấp dẫn.
Những cái bắt tay mang tầm chiến lược giữa các công ty giải trí Hàn – Mỹ
Một trong những yếu tố quan trọng không kém đó chính là cái bắt tay giữa các công ty giải trí Hàn – Mỹ. Một sự hợp tác win – win để đưa nghệ sĩ Kpop đến gần với công chúng Mỹ hơn. Trước đây, thông thường các công ty Hàn sẽ “tự lực cánh sinh” hoặc công ty chủ quản sẽ kí hợp đồng và phó thác hẳn nghệ sĩ của mình cho công ty quản lí ở Mỹ. Chính điều này khiến cho các nghệ sĩ phải ép mình hoạt động theo cách mà công ty quản lý ở mỗi thị trường mong muốn. Họ sẽ bắt buộc nghệ sĩ đó đi theo những chiến lược không đúng đắn bởi những công ty quản lý tại Mỹ thì không hề hiểu rõ về idol Kpop còn công ty quản lý của Hàn thì không thể nắm được ý muốn của công chúng Mỹ.

Một ván bài khó quyết nay cũng đã có kết quả, sự kết hợp giữa các công ty Hàn – Mỹ để cùng nhau quản lý đó chính là điều đúng đắn nhất. Các khuyết điểm của đôi bên không còn mà thay vào đó sẽ là những kinh nghiệm. Sự hiểu biết và tầm nhìn từ cả hai phía tạo nên bước đà mạnh mẽ hỗ trợ cho các nghệ sĩ Hàn Quốc. Gần đây nhất có thể kể đến những sự kiện hợp tác giữa các công ty lớn của Hàn và Mỹ như SM Entertainment cùng với Capitol Music thành lập SuperM, Starship Entertainment (công ty của Monsta X) và công ty con Epic Records của Sony Music, hay YG Entertaiment kết hợp với Interscope Records trực thuộc Universal Music Group để hỗ trợ cho Black Pink.

Hiện tại, có thể thấy được các tác động tích cực từ những sự kết hợp đúng đắn này khi các cô gái Black Pink liên tục tạo dựng được những thành tích nổi bật tại Mỹ và gây được tiếng vang riêng cho nhóm. Các hoạt động quảng bá lẫn các sản phẩm của Monsta X tại đây cũng sở hữu được sự ảnh hưởng nhất định về mặt truyền thông. Thậm chí các nhóm nhạc tân binh chỉ mới thử nghiệm ở thị trường này thôi cũng sở hữu được sức ảnh hưởng lớn như TXT, (G)I-DLE hay ITZY.
Dù chưa thể nói trước được điều gì nhưng nhìn vào sự sôi nổi trong các hoạt động của nghệ sĩ Hàn ở tại thị trường khó chinh phục này thì cũng có thể thấy được những dấu hiệu tích cực. Điều đó cho thấy một ngày không xa, các nghệ sĩ Kpop sẽ thật sự thành công trên bước đường tạo dựng sức ảnh hưởng lớn của mình trên đất Mỹ.