“Sự ra đời của “Chạm” không chỉ mang ý nghĩa đánh dấu một chặng đường đáng nhớ của Ưng Hoàng Phúc mà còn là nơi chất chứa hết thảy tâm tư, tình cảm mà tôi đã cất giấu, gìn giữ bấy lâu” – lời tạm kết trong cuốn sách “Chạm” của nghệ sĩ Ưng Hoàng Phúc.
Còn sự ra đời của bài phỏng vấn này không đơn thuần nằm ở việc cập nhật những thông tin mới nhất về dự án âm nhạc của một người nghệ sĩ đã gắn bó 20 năm với nghề, mà ở đó hi vọng độc giả sẽ “chạm” được đến vùng trời kí ức đẹp đẽ mà mình đã trải qua cùng các bản hit một thời của anh. Và hơn hết, niềm đam mê với nghề của Ưng Hoàng Phúc vẫn còn đó như những ngày đầu, dẫu cho dòng chảy âm nhạc qua năm tháng đã đổi thay ít nhiều, khiến cho những nghệ sĩ như anh phải đồng hành cùng nó bằng 2 chữ – thức thời.
Được biết ca khúc “Chạm” là do chính Ưng Hoàng Phúc tự sáng tác. Vì sao anh quyết định lựa chọn ca khúc do mình chấp bút cho chuỗi dự án lần này thay vì đặt hàng từ những nhạc sĩ khác?
Thật ra tôi đã mường tượng trong đầu là mình sẽ viết ca khúc này ngay từ khi có ý tưởng thực hiện chuỗi dự án “Chạm” chứ không phải khi làm rồi thì mới phát sinh. Cũng chỉ có mình mới hiểu được bản thân đang muốn gì và làm gì trong “Chạm”. Vậy nên tôi nghĩ chính mình sáng tác thì người nghe sẽ hiểu rõ hơn cảm xúc mà tôi muốn truyền tải thông qua ca khúc. “Chạm” được tôi viết trong vòng một tháng và cũng không chỉnh sửa gì quá nhiều. Hầu như phần lời trong sản phẩm đã được chắt lọc đúng với tâm trạng và mong muốn của tôi khi gửi đến khán giả.
Quyển sách cùng tên cũng được ra đời với bắt nguồn từ suy nghĩ đầu tiên là ở thời điểm này mình có điều gì muốn gửi tặng đến khán giả, những người đã gắn bó nhiều năm, thành công và trưởng thành cùng cái tên Ưng Hoàng Phúc. Tôi nghĩ khoảnh khắc thanh xuân mà họ đã đồng hành cùng tôi trong suốt sự nghiệp làm nghề chính là điều khiến cho người hâm mộ cảm xúc nhất. Tôi muốn cho họ thấy được hành trình mà mình đã đi qua trên con đường này sau 20 năm nó như thế nào, khán giả mong muốn Ưng Hoàng Phúc quay trở lại có những sản phẩm gì, có điều gì mới. Với tất cả những suy nghĩ đó tôi thấy mình nên đầu tư chất xám cho một sản phẩm thật chỉn chu. Ý tưởng “Chạm” ra đời từ đó, đi kèm theo là rất nhiều ấn phẩm khác nhau như liveshow, sách hay USB bài hát. Còn web drama sẽ được phát hành vào cuối năm nay.
Trong bài hát anh đã viết nên những ca từ như “Chạm vào vinh quang một lần/ chạm vào hư vô một lần”. Những lần “chạm” này đã để lại ký ức nào trong tâm trí anh?
Chạm vào vinh quang là khi tôi thành công với cái tên Ưng Hoàng Phúc và bùng nổ với những bài hit đầu tiên. Sau đó là chuỗi rất dài những ca khúc thành công rực rỡ được khán giả đón nhận từ năm 2001 đến năm 2005, cả 5 album ra mắt đều thành công. Vinh quang đạt được là những thứ tôi có được ở thời điểm đó. Hào quang sân khấu, sự nổi tiếng, danh vọng, đi đến đâu khán giả đều cuồng nhiệt đón nhận đến đó. Chưa bước ra sân khấu, chỉ cần đứng trong cánh gà hát câu “thà như thế/ thà rằng như thế” thôi là mười mấy nghìn khán giả đã bùng nổ rồi. Mỗi ngày tôi đều trải qua cảm giác đó. Mỗi đêm diễn mười mấy nghìn khán giả đều cho tôi cảm xúc vẹn nguyên như vậy. Tôi đi diễn liên tục, kéo dài từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Ở mỗi tỉnh thành tôi đều cảm nhận được tinh thần và tình cảm mà khán giả dành cho mình. Họ cuồng nhiệt với mình thế nào, với các bản hit của mình ra sao.
Còn trước đó, thời hoạt động cùng 1088 là tôi đã bị chấn thương và có đi phẫu thuật một lần. Sau khi nhóm tan rã, tôi thành công với bản hit “Thà Rằng Như Thế” cùng với chuỗi các album, kéo theo là những ngày tháng gần 5 năm đi diễn miệt mài, ngồi xe đi tỉnh và hoạt động nhiều nên chấn thương tái phát trở lại. Đến năm 2005 – 2006 tôi quyết định kết thúc hợp đồng với anh Quang Huy để tập trung điều trị bệnh, đây cũng là thời điểm chấn thương của tôi quay lại nặng nhất. Tôi muốn ngưng công việc để tìm hiểu thêm về bệnh tình, tìm cách chữa trị và chính thức bắt đầu ngưng hoạt động. Thời điểm này sự nghiệp của tôi tụt dốc không phanh, bị bệnh không đi hát được, tinh thần và thể lực đều đi xuống. Mọi thứ đang có trong tay mất hết, ngưng hát ngưng hoạt động kéo theo ánh hào quang nhạt dần, khán giả không còn đón nhận làm cho kinh tế cũng kiệt quệ. Chỉ còn cái tên Ưng Hoàng Phúc chứ hình hài của Ưng Hoàng Phúc người ta không thấy đâu cả. Tất cả mọi chuyện diễn ra khiến tôi đau đớn và bế tắc, hoang mang không biết mình cần làm gì. Phải nói rằng đó là thời gian đen tối nhất của tôi. Cuối cùng tia hi vọng đã đến ngay khi tôi bị chấn thương hoành hành không thể nằm hay ngồi được vì quá đau đớn. Trước đó tôi từng đi chữa trị ở nhiều nơi như đi Singapore, Anh, Mỹ, Úc… nhưng không có kết quả gì và may mắn cuối cùng cũng tìm được một phương pháp chữa trị từ một vị bác sĩ, nó cứu lấy tôi và như cho tôi mạng sống thứ hai.
Sau khi có sức khỏe trở lại thì tôi đi hát, tập trung cho sự nghiệp, ra mắt sản phẩm và được khán giả yêu thương đón nhận. Tôi bắt đầu gây dựng lại từ từ đầu, mặc dù không còn danh vọng hay ánh hào quang như lúc trước nhưng đổi ngược lại nó cho mình thấy được sự thay đổi mỗi ngày. Tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn để chuỗi ngày dài đen tối dần tươi sáng lên. Cho đến bây giờ, tôi thấy sự kiên trì của mình đã được đền đáp xứng đáng. Khán giả vẫn ủng hộ và lắng nghe những sản phẩm cũ của tôi, họ tiếp cận thêm sản phẩm mới và hình ảnh Ưng Hoàng Phúc dần dần quay lại. Điều đó làm cho tôi thấy vui và hạnh phúc.
Để một lần nữa chinh phục lại khán giả vốn dĩ là điều khó khăn. Từng bước một, anh đã làm điều đó thế nào?
Sự trở lại của Ưng Hoàng Phúc thời điểm đó không phải là điều gì quá bùng nổ, cũng không có một sản phẩm báo hiệu rõ ràng nhưng đó là sự bền bỉ, kiên trì đong đếm từng ngày. Tôi bắt đầu nhận show đi hát nhiều hơn mặc dù cát xê thấp, rồi từ từ làm từng bài. Sau này có bài “Căn Gác Trống” với chất liệu R&B/ Hip Hop trẻ trung được khán giá đón nhận nhiều dù trước đó phần nhiều là tôi đều hát Pop/ Ballad lãng mạn. Tôi phát hành đến 4 phiên bản khác nhau và thay đổi chất liệu bài hát. Cũng không có lý do gì cụ thể về việc thay đổi dòng nhạc lúc đó đâu, đơn giản tôi nghĩ rằng mình đã quá thành công với Pop/ Ballad thì bây giờ phải thử cái mới và may sao lại được khán giả yêu mến. Sau này tôi ra mắt thêm một vài ca khúc như “Đời Cho Những Gì”, “Em Đừng Hỏi”, “Cách Biệt Hai Phương Trời”… Song song đó là làm mới lại những bản hit cũ, diễn live nhiều hơn để hình ảnh của mình được tiếp cận với khán giả với mất độ dày hơn một chút.
Khi thị trường nhạc Việt ngày càng có nhiều nhân tố mới xuất hiện và biến hóa liên tục, anh có gặp nhiều trên con đường tìm lại ánh hào quang?
Tôi nghĩ mỗi giai đoạn và thời điểm âm nhạc sẽ có nhiều thay đổi khác nhau. Dù có thể phần ca từ chỉ vòng vòng nhiêu đó không khác nhau nhiều nhưng âm nhạc sẽ thay đổi theo xu hướng. Tuy nhiên, từ những ngày đầu gây dựng sự nghiệp, tên tôi đã gắn liền với dòng nhạc Pop/ Ballad nên cũng không quá bị ảnh hưởng bởi thị trường đang thay đổi từng ngày. Âm nhạc của tôi vẫn còn sức ảnh hưởng nhất định nào đó không chỉ với khán giả đã từng dõi theo tôi từ những ngày đầu tiên mà còn cả lượng khán giả mới ở thời điểm hiện tại. Nếu mọi người có theo dõi thì sẽ thấy mỗi năm tôi vẫn đều đặn phát hành sản phẩm, mục đích là để hình ảnh của bản thân không bị lu mờ. Trong mỗi giai đoạn tôi sẽ có một cách tiếp cận khác nhau, như bài “Chạm” do hơi mang tính riêng tư nên độ phủ sóng cũng bị giới hạn. Ngược lại, ca khúc “Trọn Vẹn Nghĩa Tình” kết hợp cùng Wowy trước đó thì rất lan tỏa. Nó cũng là một chất liệu, tạo ra sự mới mẻ để khán giả trẻ thích Rap có thể tìm và thưởng thức ca khúc này của tôi.
Kết hợp với rapper cũng là một trong những xu hướng được nghệ sĩ trẻ vận dụng trong những năm gần đây, điều này cho thấy Ưng Hoàng Phúc cũng chịu khó theo dõi “trend” ở thị trường nhạc Việt hiện tại. Tuy nhiên sự thức thời của một người nghệ sĩ trong việc thay đổi chính mình để đi cùng dòng chảy thời đại nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc âm nhạc cá nhân là việc không hề dễ dàng.
Với góc nhìn hiện tại, tôi cho rằng âm nhạc vẫn đang phát triển rất tốt và tích cực, thị trường sôi nổi và bùng nổ. Khi lên mạng tìm hiểu thì tôi thấy các bạn trẻ sáng tạo mỗi ngày và có nhiều sản phẩm ra mắt trong cùng một thời điểm trên đa dạng các nền tảng. Đó cũng là lý do để những nghệ sĩ giống như tôi phải cố gắng nhiều hơn. Một người ở thế hệ cũ không thể chạy đua với các bạn trẻ về độ tương tác với khán giả vì fan của tôi theo thời gian họ cũng lớn rồi. Khán giả của tôi họ không share hay stream nhạc thường xuyên giống như khán giả trẻ bây giờ, đó là điều tôi phải chấp nhận. Quan trọng là tôi lựa chọn được điều gì phù hợp nhất với mình để tiếp tục giữ đam mê với nghề và “chất” riêng của Ưng Hoàng Phúc.
Tôi vẫn trung thành với dòng nhạc Pop/ Ballad, vẫn là những ca khúc tình cảm, lãng mạn với ca từ đời thường, chia sẻ được những góc nhìn trong tình yêu cùng khán giả với hướng tích cực hơn. Còn những ca khúc thất tình, tôi chỉ muốn mọi người khi nghe thì có thể vơi đi phần nào đó những cảm xúc chất chứa trong lòng. Dĩ nhiên tôi không thể nói được cảm nhận của khán giả trẻ bây giờ khi nghe nhạc của mình nhưng có một điều làm tôi rất hạnh phúc là khi đi hát, cũng có những bạn lứa tuổi 9x, 2000 yêu thích các ca khúc của tôi. Những show ở Đà Lạt, họ vẫn cuồng nhiệt với tôi lắm. Họ nghe lại nhạc và đón nhận các ca khúc, đó là điều thực tế mà tôi cảm nhận được.
Theo thời gian, sự cuồng nhiệt của khán giả trong những show diễn của Ưng Hoàng Phúc chắc cũng khác nhau nhiều? Nhưng mỗi thời điểm sẽ có những khoảnh khắc đẹp đẽ riêng biệt.
Đúng vậy, ngày xưa mỗi show diễn của tôi khán giả khủng khiếp lắm, mỗi tỉnh đều như vậy nên cảm xúc đó mình sẽ nhớ hoài. Bạn (PV) cứ tưởng tượng đi, khán giả trẻ bây giờ họ tiếp cận với Sơn Tùng M-TP thế nào thì ngày xưa khán giả của tôi họ còn dữ dội nhiều hơn nữa. Bây giờ lâu lâu mọi người mới tổ chức show chứ hồi đó mỗi ngày tôi đều chứng kiến khung cảnh nồng nhiệt như thế.
Đến hiện tại, khán giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vé, trả tiền cho chỗ ngồi của mình để nghe Ưng Hoàng Phúc hát live. Nhiều fan của tôi từ ngày xưa đến nay đã có gia đình, họ lớn lên, thành công và bế con theo đi nghe tôi hát. Những khoảnh khắc đó đều rất đẹp.
Khi người ta trải qua nhiều thăng trầm, hình như cách xử lý bài hát và cách hát của họ thường sẽ khác hơn. Anh có như vậy không?
Có chứ, khác hơn ngày xưa nhiều. Khán giả cũng khen tôi hát hay hơn ngày xưa. Có thể thời còn trẻ giọng mình chưa có độ cằn cỗi, khàn hay rè rè giống như bây giờ nhưng cách hát của tôi hiện tại cũng có sự đổi mới. Trưởng thành hơn, trải qua nhiều giai đoạn sóng gió trong cuộc sống thì cách hát, cách xử lý của tôi cũng khác nhiều. Rồi thị trường, dòng chảy nữa, tôi cũng phải tìm hiểu xem khán giả bây giờ họ thích nghe cách hát như thế nào. Bản thân mình cũng phải là người đi tìm tòi rồi sửa lại cho phù hợp.
Ví dụ như cách xử lý câu hát, cách ngân của mình trong bài. Những bài nào mấy bạn thấy nó xưa quá, nó cũ và sến quá thì sau này cũng vẫn là những bài đó nhưng tôi phải thay đổi cách hát cho nó mới mẻ hơn, trẻ hơn chứ không phải muốn hát cái gì là hát đâu. Tại sao tôi phải thay đổi, vì nếu không thay đổi thì tôi sẽ đi thụt lùi và khi khán giả nhìn thấy sự thay đổi của mình thì họ sẽ công nhận công sức tìm tòi, chịu học hỏi của mình.
Sự đầu tư nào cũng có một độ khó nhất định vào lúc khởi đầu. Để thay đổi được những điều như anh vừa nói thì chắc anh cũng từng rơi vào thế khó?
Khó đấy nhưng ai chịu thay đổi thì sẽ không thấy khó đâu. Ví như tôi là người chịu thay đổi thì tôi thấy đó là chuyện cần phải làm. Có những nghệ sĩ khác không chịu thay đổi vì họ thấy “thôi cách hát của tôi nó là vậy, tôi muốn giữ nguyên”, còn tôi vẫn giữ chất của mình nhưng không phải theo cách cố chấp. Ngoài việc đi cùng thị hiếu và đôi tai của khán giả thì tôi còn phải tìm hiểu về cách mix/ master nữa. Hồi xưa, phần giọng hát phải mix theo kiểu dày và rất lớn, lúc nào cũng muốn trong mỗi bài hát của mình giọng hát phải là lớn nhất. Nhưng sau này cách nghe nhạc của giới trẻ đổi khác, họ không thích giọng lớn quá, chỉ cần nho nhỏ thôi để nó mỏng mỏng và ăn vào phần nhạc nhiều hơn. Hay như bây giờ nhạc Lofi thịnh hành nhưng ngày trước có ai biết Lofi là cái gì đâu. Cuối cùng bây giờ Lofi lại là một kiểu âm nhạc khiến khán giả dễ nghe nhất bởi nét êm dịu và du dương… Bởi thế, mình phải biết học hỏi và đi theo thị trường cho nó phù hợp.
Quan sát kĩ như thế thì chắc hẳn ở thời điểm hiện tại anh cũng dành nhiều sự ấn tượng cũng như yêu mến cho những nghệ sĩ trẻ?
Có những bạn trẻ tôi theo dõi, cảm thấy rất thích và ấn tượng với giọng hát của họ như Đức Phúc, Quân A.P, Sơn Tùng M-TP, Karik… Gần đây có bạn MONO tôi cũng nghe. Các bạn ra sản phẩm mà tôi thấy hay và thích là tôi nghe hết.
20 năm đồng hành với nghề không phải là khoảng thời gian ngắn, từ đâu mà anh có được kiên trì và bền bỉ với âm nhạc đến vậy?
Tôi muốn chia sẻ một điều thế này. Hào quang của một người nghệ sĩ trẻ hiện nay đôi khi là bởi các bạn thích hào quang, thích sự nổi tiếng, kiểu như là được mọi người biết đến mình, tôn vinh mình. Còn hào quang của tôi trước đây xuất phát từ đam mê, cách tôi quyết tâm theo đuổi đam mê và thành công từ đam mê, tôi nghĩ những điều đó cộng lại nó tạo nên hào quang của chính tôi. Tôi cảm nhận có những bạn trẻ chỉ thích hào quang, thích được tỏa sáng, thích được nổi tiếng nhưng không có đam mê. Hoặc họ chỉ đầu tư cho một sản phẩm nào đó để được nổi lên rần rần ở thời điểm nhất định nhưng đi theo luôn con đường âm nhạc thì chưa chắc. Đó là lý do tại sao phải có niềm đam mê thì mình mới theo cái nghề này. Họ muốn dùng nghệ thuật này tạo ra ánh hào quang của họ trên sân khấu để làm việc này việc kia cũng có. Dĩ nhiên hào quang qua mỗi giai đoạn sẽ có lên có xuống, đâu có ai mà lên hoài đâu có ai mà xuống hoài. Chỉ có người giữ được niềm đam mê thì mới có thể đi theo đến cùng.
Chưa có giây phút nào tôi từng nghĩ mình phải từ bỏ âm nhạc. Lúc chấn thương nặng nhất không đi hát nổi thì phải chịu cảnh nằm ở nhà chứ bắt đầu có sức khỏe lại thì cứ muốn đi hát. Phải kiên trì lắm, bền bỉ lắm. Niềm đam mê của tôi là ca hát thì tôi cứ cố gắng thu âm rồi ra bài, mỗi thời điểm mình cập nhật tìm tòi thêm. Ra bài hát mà thất bại là chuyện bình thường, bài dở bị chê cũng là chuyện thường tình luôn. Nhưng nếu vì dở và thất bại mà mình buông xuôi thì như vậy đâu thể gọi là đam mê. Những câu chuyện thất bại đó tôi chấp nhận hết, mình phải trải qua thì mới biết sao mình dở vậy, mình tệ vậy. Tại sao mình không được khán giả đón nhận chứ. Khi mình học được cách chấp nhận thì mình sẽ thấy à thì ra bài này mình làm không phù hợp, nó chưa tới, nó chưa đúng sở thích của khán giả nên thất bại. Sau đó cứ tiếp tục làm nữa, làm mãi. Tôi cũng có những bài hát mà khán giả không biết tới, mặc dù năm nào tôi cũng cho ra sản phẩm. Nhưng mà đâu phải năm nào phát hành sản phẩm cũng mang thành công về cho mình đâu.
Dù vậy anh vẫn duy trì việc ra mắt các sản phẩm mới hàng năm sao?
Tôi luôn đặt mục tiêu cho chính mình. Khoan hãy nói đến chuyện thành công vì còn nhiều yếu tố quyết định như thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trước khi làm một dự án nào đó đâu ai biết nó sẽ thành công hay không, mình cứ nghĩ và bắt tay vào làm thôi. Mục tiêu của tôi mỗi năm là đều phải có một sản phẩm âm nhạc và một bộ phim. Phim hay nhạc không cần biết lúc ra mắt có được khán giả đón nhận hay không nhưng bắt buộc mỗi năm phải duy trì đều đặn. Mình phải làm thì người ta mới có cái để tiếp cận, có cái để nói đến. Thành công hay không thì chưa nói tới nhưng trước mắt tôi phải có thứ gì đó cho người ta nhắc đến tên mình, con đường tôi đang làm là như vậy. Cũng vất vả lắm, nhưng mỗi người là một đạo diễn của chính cuộc đời mình. Mình muốn gì, mình cần gì và phải làm gì thì bản thân mình nên là người hiểu rõ nhất. Tôi biết mình không còn là một ca sĩ trẻ mong muốn được nổi tiếng nhanh, tỏa sáng hay bùng nổ nữa. Tôi đã đi qua giai đoạn đó rồi nên hiểu được cách nào là phù hợp với mình ở thời điểm hiện tại.
Nhưng anh cũng phải đặt ra một KPI nhất định khi phát hành đúng không?
Có chứ, tôi phải nghĩ đến vấn đề này. Ví dụ như dự án âm nhạc đó đầu tư với kinh phí 1 tỉ thì sẽ có những nguồn thu nào từ bài hát đó trên các nền tảng, quảng cáo ra sao, những đơn vị kết hợp hỗ trợ khi làm việc… Tuy nhiên, nếu đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì trước tiên bạn phải đầu tư cho sản phẩm, phần nghe và phần nhìn phải đạt đủ chất lượng. Chuyện hay hay dở, được tiếp cận nhiều hay ít, khán giả thích hay không thì như tôi đã chia sẻ, nó còn do nhiều yếu tố tạo thành. Sau này tôi thấy nhiều bạn trẻ có bài hát viral, chịu khó đầu tư, làm truyền thông nhưng chưa đầy một tháng mọi thứ lại trôi đi và không thu lại được gì bằng việc đi hát. Thật sự ngay cả chuyện phát hành ở thời điểm nào nó cũng rất quan trọng, ví dụ như show nhiều nhất là thời điểm đầu năm hoặc cuối năm thì nghệ sĩ cũng phải biết canh thời điểm để ra bài hát. Phải có nhiều sự tính toán lắm khi một bài hát được phát hành thì nghệ sĩ mới duy trì được.
Ở thời điểm hiện tại, tôi thấy đầu tư cho một sản phẩm âm nhạc vòng vòng tầm 1 tỉ mới gọi là ổn. Trước đây thì không cần như vậy nhưng tính ở thời điểm này mà đầu tư ít hơn thì tôi không làm được, ví dụ như chi phí mua bài, kết hợp với nghệ sĩ khác, thu âm, đầu tư quay phim, truyền thông… Lên chiến lược cho một sản phẩm thì nhiêu đó tiền không xi nhê gì hết, mà làm dưới mức kinh phí đó thì lại không được. Còn đầu tư hơn con số đó thì đâu phải nghệ sĩ nào cũng đủ điều kiện để làm thường xuyên. Nghệ sĩ phát hành nhạc, chủ yếu viral rồi cũng để đi show thôi, chứ các nguồn thu khác đến từ sản phẩm còn ít hơn tiền đầu tư nữa.
Là một người hoạt động lâu năm trong nghề và có nhiều bản hit, anh cảm thấy một bài hát thế nào thì sẽ sống lâu trong lòng khán giả?
Bài hát hit là bài hát ở thời điểm nào nghe lại cũng thấy nó hay. Những bản hit 30 năm trước đã là hit thì 30 năm sau nghe lại vẫn thấy hay. Quả thực tôi cũng ít nhiều may mắn khi ngày xưa mình có một lộ trình phát hành nhạc dày đặc và những bài hát đó trở thành hit, kéo theo hiệu ứng để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Vì lộ trình phát hành nhạc nhiều và thường xuyên như thế mà trong số 40 hay 50 bài hát của tôi, mỗi khán giả sẽ chọn được cho mình 2 hoặc 3 bài hát mà họ thích. Các bạn trẻ sau này nổi tiếng và có bài hit nhưng giai đoạn hoạt động của họ không có sự liên tục. Tôi nghĩ vì sự khác nhau đó mà hình ảnh và âm nhạc của Ưng Hoàng Phúc còn đọng lại trong lòng khán giả thời trước nhiều hơn là vậy. Còn tại sao những bản hit của tôi đến bây giờ khán giả vẫn nghêu ngao hát thì là vì thời điểm trước họ đã nghe quá nhiều, thành ra nó ăn sâu vào tiềm thức của họ rồi.
Về cơ bản, để bàn về chuyện thế nào là một bài hát có thể sống lâu trong lòng công chúng thì cũng khó nói lắm. Mỗi bài hát có nhiều cách hay khác nhau, có bài thấy hay nhờ giai điệu đẹp, có bài thấy hay vì câu hát bắt trend chạm đến cảm xúc của khán giả ở thời điểm đó. Nhưng có một điều quan trọng là khi làm ra một tác phẩm, phần nhạc và lời phải liên kết với nhau. Còn không thì nó sẽ rơi vào trường hợp ở giai đoạn này bài hát đang xu hướng, thịnh hành và bắt tai thì có thể là khán giả họ chỉ nghe giai điệu thôi chứ lời bài hát không có gì đọng lại. Nếu vậy thì chắc chắn mọi thứ sẽ trôi qua rất nhanh. Trước đây công nghệ chưa phát triển nhiều, công chúng yêu nhạc chỉ có một số lượng nhạc nhất định để nghe, họ nghe bao nhiêu bài đó thôi và cũng bấy nhiêu ca sĩ đó. Ngày nay thị trường bị chia ra chứ không còn tập trung như ngày xưa thì khán giả sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ tiếp cận được nhiều thứ mới mẻ hơn nên tuần này nghe bài này, tuần sau nghe bài khác cũng là điều dễ hiểu.
Bằng góc nhìn cá nhân của anh, thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện tại của âm nhạc Việt đang thiếu điều gì để có thể đi dài lâu với con đường này ngoài niềm đam mê?
Thiếu sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp dành cho người nghệ sĩ đó, cụ thể ở đây là một chiến lược dài hơi. Mặc dù là thế hệ trước nhưng tôi của thời điểm trước vẫn đầu tư theo đúng chiến lược dàn trải như vậy để có một lộ trình dài, đó là điều tiên quyết được đẩy lên hàng đầu. Ngày trước khi làm việc với ekip Hồng Kông hay Hàn Quốc, tôi thấy họ có những công ty đầu tư về mặt âm nhạc đi cùng với chiến lược rất bài bản. Còn ở Việt Nam thì tự phát, cá nhân tự phát triển nhiều hơn.
Các bạn trẻ bây giờ vẫn đang thích cái gì làm cái đó, còn chắp vá. Thời điểm này thích bài này thì làm bài này, lâu lâu có vốn đầu tư lại làm tiếp một bài nữa thì nó khác xa với sự đầu tư có lộ trình. Bây giờ nếu là nghệ sĩ mới thì phải có công ty, phải có ekip, phải có kế hoạch dài lâu thì mới đi xa được, còn không thì chỉ làm được 1, 2 bài nhạc rồi biến mất. Một thời gian sau quay lại, làm tiếp bài mới rồi lại biến mất.
Để xây dựng thành công cho riêng mình, chiến lược dài hơi từng được Ưng Hoàng Phúc coi là điều kiện tiên quyết trước nhất. Vậy còn bây giờ, điều gì được xếp thứ hạng ưu tiên trong suy nghĩ của anh để tiếp tục khám phá những địa hạt khác trên hành trình âm nhạc?
Với một người làm nghề như tôi ở thời điểm hiện tại, điều đầu tiên tôi nghĩ mình cần làm là thay đổi. Dù hay cỡ nào, giỏi cỡ nào cũng phải thay đổi để tìm ra cái mới. Từ trước đến giờ là vậy, lúc nào tôi cũng muốn tìm một điều gì đó mới mẻ, còn nếu cũ thì mình phải làm cho nó khác đi. Sản phẩm thành công sẽ trả lời cho 3 câu hỏi, có chỗ nào hay, chỗ nào mới, chỗ nào lạ không? Nếu đủ 3 yếu tố đó thì cứ mạnh dạn mà làm, tiếp tục phát hành sản phẩm đi rồi tới đâu tính tiếp tới đó thôi.
Cảm ơn Ưng Hoàng Phúc về cuộc trò chuyện.